Vietcombank tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn

(Chinhphu.vn) - Ngày 27/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ - Đại hội) lần thứ 17 năm 2024.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, Vietcombank tiếp tục khẳng định vững chắc vị trí dẫn đầu ngành ngân hàng về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản đạt hơn 1,84 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt ~1,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt ~ 41.244 tỷ đồng, tăng ~10% so với năm 2022. Nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,99% - thấp nhất trong số các Tổ chức tín dụng quy mô lớn, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt ~227%, thuộc nhóm cao nhất thị trường.

Vietcombank tiếp tục là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước (hơn 11.600 tỷ đồng), lần thứ 8 liên tiếp được đánh giá là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động. Không chỉ vững vàng ở vị trí doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam, Vietcombank đã tiếp tục được ghi danh trong Danh sách 100 ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Năm 2023 là năm đầu tiên Vietcombank lọt vào Top 20 Doanh nghiệp có Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) tốt nhất thị trường chứng khoán năm 2023. Có mặt trong Top 20 VNSI năm 2023 là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Vietcombank trong các cam kết góp sức cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đề cao tính minh bạch, trách nhiệm và kiến tạo giá trị chung cho cộng đồng.

Đặc biệt, trong năm 2023, Vietcombank đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (01/04/1963-01/04/2023) để ghi nhận những đóng góp bền bỉ của Vietcombank cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt hơn 6 thập kỷ qua.

Định hướng hoạt động năm 2024, tiếp tục phương châm hành động "Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững" và quan điểm chỉ đạo, điều hành "Trách nhiệm - Quyết liệt - Sáng tạo", trên cơ sở Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn 2030, toàn hệ thống Vietcombank tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024 với các chỉ tiêu chính như sau: Tổng tài sản tăng 8% và điều chỉnh phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng được giao, huy động vốn TT1 tăng 8% và điều chỉnh phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng được giao, tăng trưởng tín dụng theo Công văn số 3543/NHNN-TCKT ngày 24/4/2024 của NHNN (mức giao tăng trưởng tối đa 15,93%) và thực hiện theo thông báo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiếm soát ở mức dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế thực hiện theo phê duyệt của NHNN...

Tại đại hội, các lãnh đạo ngân hàng này đã trao đổi các nội dung liên quan đến hoạt động thời gian qua cũng như định hướng của Vietcombank thời gian tới.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có chỉ đạo các chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, khách hàng. Theo đó, Vietcombank đã tham gia triển khai tích cực các chương trình này. Cụ thể, năm 2023, tổng số tiền giảm lãi suất là 6.000 tỷ đồng cho tổng dư nợ 1,1 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm tương ứng từ 1,5 - 2 điểm phần trăm.

"Trong năm 2023, ngân hàng đã 20 lần hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay nhưng việc điều hành vẫn linh hoạt, đảm bảo huy động vốn phù hợp tín dụng. Từ ngày 1/4/2024, Ngân hàng đã giảm 0,5% cho khách hàng hiện hữu với kế hoạch kéo dài 3 tháng và Ban Lãnh đạo đang tổng hợp tác động để đánh giá, đảm bảo phù hợp thị trường, mục tiêu kinh doanh", bà Phùng Nguyễn Hải Yến nói.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết thêm, ngoài hoạt động kinh doanh thông thường, từ năm 2015, Vietcombank được giao nhiệm vụ chính trị là hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank, theo đó, phương án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai cho đến nay. Năm 2022, Vietcombank đã cho vay 10.000 tỷ đồng, năm 2023 cho vay 6.700 tỷ đồng và theo quy định, khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Tuy nhiên, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, trong năm 2024, Vietcombank sẽ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, tài chính tốt dự án trọng điểm quốc gia, trọng yếu kinh tế. Đầu tháng 5/2024, các ngân hàng sẽ ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho sân bay Long Thành với quy mô 1,8 tỷ USD. Riêng Vietcombank sẽ tài trợ 1 tỷ USD, BIDV và VietinBank là 800 triệu USD.

Các dự án thành phần cũng sẽ được Vietcombank thẩm định, như dự án đường dẫn từ TP.HCM về Long Thành cùng các hạng mục phụ trợ. Ngoài ra, các dự án trọng điểm như dầu khí, khai thác, truyền dẫn, điện khí đang được thẩm định. Các dự án hạ tầng hàng không, cảng biển, công nghiệp, cũng được gấp rút thẩm định, cấp tín dụng…

Về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Tùng cho biết, năm 2024, Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt lợi nhuận ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023. Tính đến 31/3/2024, huy động vốn thị trường 1 đạt 1,36 triệu tỷ đồng, giảm 3,31%, tương ứng hơn 46.000 tỷ đồng. Tín dụng giảm 0,42%, khoảng 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là tín dụng bán lẻ, trong khi bán buôn tăng trưởng. Doanh số thanh toán quốc tế, ngoại tệ, tăng trưởng 4,21% so với cùng kỳ, hoàn thành 98% kế hoạch quý 1/2024… Hết quý I/2024, nợ xấu tăng từ 0,99% lên 1,22%, trong đó cả nợ xấu bán buôn và nợ xấu bán lẻ.

"Do bối cảnh tình hình kinh tế, nợ xấu bán lẻ và bán lẻ vay vốn bất động sản gia tăng trong năm 2023 và đầu năm 2024. Nợ xấu bán lẻ có khẩu vị rủi ro chặt chẽ, nên tỷ lệ tài sản đảm bảo trên dư nợ cao, khả năng mất vốn không nhiều. Nhưng chúng tôi cam kết đến hết năm 2024, nợ xấu sẽ kiểm soát dưới 1,5%", ông Nguyễn Thanh Tùng nói.

Về định hướng chiến lược, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, theo chiến lược của Ngân hàng đến năm 2025 - 2030 định hướng 4 trụ cột: bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và ngân hàng đầu tư. 

Trong đó, yếu tố mới là ngân hàng đầu tư và dù ngân hàng không đề cập đến bán buôn, nhưng lĩnh vực này rất quan trọng, hỗ trợ 4 trụ còn lại. Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết thêm, thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại chiếm 19,2%, cao nhất trong nhiều năm vừa qua. Hoạt động kinh doanh vốn kỳ vọng sẽ chiếm 16 - 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong năm 2025. 

Để đạt mục tiêu này, khối bán buôn rất quan trọng trong hỗ trợ, phối hợp với khối vốn và thị trường. Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, dư nợ bán lẻ của Ngân hàng chiếm 51% tổng dư nợ, trong đó cho vay bất động sản chiếm 38%. Với bối cảnh hiện nay, khi tăng trưởng tín dụng mua nhà bất động sản gặp khó khăn thì khai thác tín dụng bán buôn là cần thiết để đạt được mục tiêu kinh doanh. "Tuy nhiên, lâu dài bán lẻ vẫn là chiến lược quan trọng của Vietcombank", ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Tại ĐHCĐ, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 và kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.

Được biết, trong tờ trình ĐHCĐ, Vietcombank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng riêng lẻ là 32.438 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 24.987 tỷ đồng.

Theo tờ trình, Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức. Trước đó, Vietcombank cũng đã công bố kế hoạch tương tự về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022. Đồng thời, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 đã thông qua kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018.

Anh Minh